Một số điểm nổi bật trong hợp tác đầu tư giữa Việt Nam- EU năm 2024

23/12/2024

Theo Trungtamwto.vn, EU hiện là nhà đầu tư lớn thứ 5 tại Việt Nam, với tổng số vốn tính đến ngày 20⁄5⁄2024 đạt 29,88 tỉ USD , đầu tư vào 2.500 dự án, tập trung chủ yếu vào các cơ sở sản xuất hiện đại, công nghệ cao, các dự án tuân thủ tiêu chuẩn xã hội, môi trường và trung hòa carbon.

Việt Nam cũng là đối tác chính hưởng lợi từ viện trợ phát triển của châu Âu trong khu vực. Những khoản đầu tư này mang đến công nghệ tiên tiến, giúp nâng cao nhận thức về môi trường cũng như góp phần cải thiện môi trường làm việc của chính người lao động trong nước.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) quí III/2024 ghi nhận những tín hiệu tích cực, chạm mốc 52 điểm, tăng 7 điểm so với cùng kỳ năm trước. Gần một nửa (47,4%) doanh nghiệp trong số 1.400 thành viên hiệp hội bày tỏ tin tưởng vào mức độ cải thiện của tình hình kinh tế vĩ mô trong ba tháng cuối năm, trong khi khoảng 70% công ty đặt kỳ vọng về môi trường kinh doanh thuận lợi của Việt Nam trong giai đoạn năm năm tới.
EU đang đầu tư vào nhiều dự án năng lượng tại Việt Nam, trải rộng từ thủy điện, điện gió đến điện mặt trời. Nỗ lực này không chỉ góp phần kiến tạo hạ tầng năng lượng bền vững và thân thiện với môi trường tại Việt Nam mà còn giúp Việt Nam tăng cường an ninh năng lượng thông qua việc giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu.
Trong quan hệ hợp tác song phương, Việt Nam mong muốn EU thúc đẩy thương mại bền vững và phát triển chuỗi cung ứng xanh thông qua triển khai hiệu quả Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU để đưa hợp tác song phương phát triển tương xứng với tiềm năng và mong muốn của cả hai bên. Nghiên cứu và triển khai một số dự án để thúc đẩy mô hình hợp tác công tư, hợp tác nhiều bên về chuyển đổi xanh. Với mục tiêu này, ngày 21/10/2024, Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham Việt Nam) đã phối hợp Bộ Công Thương tổ chức Diễn đàn và Triển lãm kinh tế xanh (GEFE 2024) tại thành phố Hồ Chí Minh.
Ở cấp độ quốc gia, Việt Nam đã có những bước chuẩn bị cho xu thế này và điều này được thể hiện khá rõ trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Việt Nam đặt ra một số mục tiêu, trong đó đáng chú ý như xem tăng trưởng xanh lấy con người làm trung tâm, giúp giảm thiểu tính dễ bị tổn thương của con người trước biến đổi khí hậu, khuyến khích lối sống có trách nhiệm của từng cá nhân với cộng đồng, định hình thế hệ tương lai về lối sống xanh, hài hoà với môi trường. Tăng trưởng xanh cũng gắn liền với việc đầu tư công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, thông minh và bền vững để đóng góp trực tiếp vào giảm phát thải nhà kính, hướng đến nền kinh tế trung hoà carbon trong dài hạn…
Việt Nam cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ EU về tài chính, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực; chia sẻ kinh nghiệm để phát triển thị trường chứng chỉ carbon; thành lập các trung tâm nghiên cứu trong các lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo xanh, hạ tầng xanh, chuyển đổi số, nông nghiệp thông minh, công nghiệp phát thải thấp. Bên cạnh đó, đề nghị EU tiếp tục duy trì vốn ODA cho Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực cấp thiết như tăng cường năng lực quản trị công, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn…
Đặc biệt, EVFTA không chỉ tạo điều kiện thu hút những nhà đầu tư của châu Âu mà còn cả những nhà đầu tư ngoài châu Âu đến Việt Nam, tận dụng hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU để đưa những hàng hóa sản xuất của nhà máy của họ tại Việt Nam sang thị trường châu Âu.
Một số hoạt động xúc tiến thương mại tiêu biểu giữa Việt Nam-EU
EVFTA giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt đối với mặt hàng nông, thủy sản và các mặt hàng Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh song sự cạnh tranh trên thị trường hàng hóa và dịch vụ sẽ khốc liệt hơn.
Do đó, để tận dụng hiệu quả các cơ hội mà EVFTA mang lại, các cơ quan chức năng đã thực hiện quyết liệt công tác đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại chuyên sâu như: nghiên cứu thị trường, thẩm định đối tác, tăng cường quảng bá thương mại, tập huấn nâng cao nhận thức về EVFTA, hỗ trợ doanh nghiệp tìm hiểu thông tin, kết nối đối tác, đẩy mạnh xuất khẩu …
Về kinh phí, trong khuôn khổ Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, hàng năm Bộ Công Thương dành trung bình 20% tổng kinh phí của Chương trình cho các hoạt động xúc tiến thương mại tại thị trường này. Cục Xúc tiến thương mại cũng đã trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hoặc hướng dẫn các hiệp hội ngành hàng, tổ chức xúc tiến thương mại lựa chọn các hội chợ, triển lãm, sự kiện xúc tiến thương mại chuyên ngành lớn, có uy tín tại thị trường châu Âu. Từ đó, xây dựng đề án xúc tiến thương mại quốc gia, tổ chức cho doanh nghiệp tham gia.
Việc tham dự những hội chợ có uy tín, lớn hàng đầu thế giới ở châu Âu liên tục, hàng năm đã giúp các doanh nghiệp đạt kết quả ngay tại sự kiện như: các hội chợ triển lãm quốc tế chuyên ngành nông thủy sản, rau quả, thực phẩm chế biến tại các nước: Pháp, Đức, Bỉ; chuyên ngành dệt may, da giày tại Italy.
Ngoài các hoạt động xúc tiến thương mại phát triển thị trường, Cục Xúc tiến thương mại đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước, thương vụ Việt Nam ở EU thực hiện các chương trình xây dựng, quảng bá thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế… Đồng thời, Cục Xúc tiến thương mại chú trọng đẩy mạnh hợp tác với thương vụ, đại sứ quán, các tổ chức xúc tiến thương mại của các nước trong khối EU như: Pháp, Italy, Hungary nhằm kết nối thông tin, trao đổi nhu cầu xuất nhập khẩu của doanh nghiệp các bên.
Cục Xúc tiến thương mại cũng phối hợp với các Thương vụ Việt Nam tại thị trường châu Âu giới thiệu, quảng bá sản phẩm tiềm năng, doanh nghiệp uy tín của Việt Nam tới các đối tác sở tại. Các hoạt động này đã góp phần khích lệ, tạo động lực cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên trong việc xây dựng chiến lược tiếp cận thị trường, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu của doanh nghiệp. Từ đó, góp phần thúc đẩy hoạt động trao đổi thương mại, đầu tư hai chiều giữa Việt Nam và các nước EU theo hướng bền vững.
Tăng cường quảng bá thương hiệu nông sản Việt tiếp cận EU thông qua Bản đồ xúc tiến thương mại sản phẩm nông sản Việt
Bản đồ xúc tiến thương mại sản phẩm nông sản Việt Nam do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) triển khai xây dựng, là một nền tảng trực tuyến tiên tiến, tập trung các thông tin về sản phẩm nông sản của Việt Nam dưới dạng bản đồ địa lý. Bản đồ không chỉ là nguồn thông tin đáng tin cậy về sản phẩm nông sản của Việt Nam, mà còn là công cụ hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản (các doanh nghiệp đã và chuẩn bị tham gia hiệp định EVFTA), đặc biệt là trong việc tiếp cận thị trường EU.
Cục Xúc tiến thương mại đã và đang phối hợp cùng các tổ chức, cơ quan, các doanh nghiệp và hợp tác xã tổ chức các Hội nghị đào tạo, tập huấn, từ đó tuyển chọn các doanh nghiệp phù hợp để đưa vào Bản đồ xúc tiến thương mại sản phẩm nông sản Việt Nam. Theo đó, các doanh nghiệp được chia thành 2 nhóm: Đã xuất khẩu vào thị trường EU và nhóm tiềm năng xuất khẩu.
Nâng cao năng lực xuất khẩu các sản phẩm tiềm năng sang thị trường EU
Trong 2 ngày 27/11/2024 và 28/11/2024, tại Tiền Giang, Sở Công thương tỉnh Tiền Giang phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức Hội nghị tập huấn tăng cường năng lực xuất khẩu các sản phẩm tiềm năng sang thị trường châu Âu (EU) thông qua bản đồ xúc tiến thương mại sản phẩm nông sản Việt Nam.
Tiếp tục hướng dẫn doanh nghiệp tham gia Bản đồ xúc tiến thương mại sản phẩm nông sản Việt Nam
Tiếp tục thúc đẩy việc thực hiện Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), tới ngày 05 và 06/12/2024, tại khách sạn Công Đoàn Việt Nam, 14 Trần Bình Trọng, Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Cục Xúc tiến thương mại sẽ tổ chức khóa tập huấn: “Hướng dẫn doanh nghiệp tham gia Bản đồ xúc tiến thương mại sản phẩm nông sản Việt Nam” tại Hà Nội.
Nguồn: Vitic

231220249331eu_vn.jpg

{title}

Video

Bộ Công Thương yêu cầu đảm bảo hàng hóa, nguồn cung xăng dầu dịp Tết
Bộ Công Thương yêu cầu đảm bảo hàng hóa, nguồn cung xăng dầu dịp Tết