Để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Anh, doanh nghiệp cần nắm bắt thông tin và tuân thủ quy định. Việc thiếu thông tin hoặc không tuân thủ các quy định nhập khẩu có thể khiến hàng hóa bị dừng tại biên giới hoặc bị trả về.
Tại Hội thảo xúc tiến thương mại sang thị trường châu Âu tổ chức mới đây, ông Nguyễn Cảnh Cường - cựu Tham tán Thương mại tại Anh nhấn mạnh, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Vương quốc Anh (UKVFTA) mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam với việc xóa bỏ trên 99% dòng thuế trong vòng 6 năm. Các ngành hàng như thủy sản, dệt may, giày dép, đồ gỗ và nông sản chế biến được hưởng lợi đáng kể. Chẳng hạn với thủy sản: cá basa, tôm đông lạnh đạt kim ngạch xuất khẩu trên 30 triệu USD vào năm 2024, tăng hơn 10%. Sản phẩm từ sợi tự nhiên và bền vững đang thu hút người tiêu dùng Anh.
Hơn nữa, đây là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai của Việt Nam tại châu Âu, với nhu cầu cao về nội thất hiện đại.
Trong khi đó, Anh là một trong những nền kinh tế lớn trên thế giới với dân số hơn 67 triệu người. Người tiêu dùng Anh đánh giá cao chất lượng, tính bền vững và giá trị khác biệt của sản phẩm. Họ sẵn sàng chi trả cao hơn cho các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng và thể hiện cam kết bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Cảnh Cường, thị trường Anh có các tiêu chuẩn kỹ thuật và quy định về an toàn thực phẩm, môi trường rất khắt khe. Doanh nghiệp cần chuẩn bị kỹ lưỡng để đáp ứng các yêu cầu này và nổi bật trong môi trường cạnh tranh cao, chẳng hạn như cải tiến bao bì đến áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế như Viện Tiêu chuẩn Anh (BSI) hay ISO để tăng sức cạnh tranh tại thị trường này.
Viện Tiêu chuẩn Anh (BSI) đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sản phẩm của doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, pháp lý và thương mại của thị trường Anh. Sản phẩm đạt tiêu chuẩn BSI được đánh giá cao về chất lượng và an toàn, dễ dàng thuyết phục nhà nhập khẩu và người tiêu dùng Anh. Giảm thiểu rủi ro khi bị từ chối tại các cửa khẩu do không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật hoặc an toàn. Hơn nữa, tiêu chuẩn BSI được công nhận rộng rãi, giúp sản phẩm tiếp cận không chỉ thị trường Anh mà cả châu Âu.
"Doanh nghiệp nên sử dụng chất liệu tái chế, dễ phân hủy. Thông tin rõ ràng về tên sản phẩm, thành phần, hướng dẫn sử dụng, xuất xứ. Màu sắc tinh tế, tông nhã nhặn, tránh màu đỏ và các màu sặc sỡ sẽ phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng Anh" - ông Nguyễn Cảnh Cường khuyến nghị.
Trước đó, tại Tọa đàm “Xuất khẩu sang thị trường Vương quốc Anh - Chiến lược và cách tìm kiếm thông tin”, đại diện Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ cũng đưa ra một số khuyến nghị cho doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu và kinh doanh tại thị trường Anh. Đó là cần tra cứu, tìm hiểu kỹ lưỡng thông tin về thị trường. Nguồn thông tin hữu ích cho doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng và rất là minh bạch là hệ thống dữ liệu về thương mại, doanh nghiệp và đóng thuế, … của Chính phủ Anh thông qua các nền tảng của Bộ Kinh doanh và Thương mại Anh tại website http://gov.uk và công cụ tra cứu bản đồ thương mại ITC để có thể theo dõi tổng quan tình hình của xuất nhập khẩu cũng như là từng ngành hàng, từng mặt hàng cụ thể theo các mã HS.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng có thể tìm kiếm thông tin về thị trường thông qua Cổng thông tin các Hiệp định thương mại tự do FTA của Bộ Công Thương và website: http://goglobal.moit.gov.vn và http://connectviet.moit.gov.vn.
Ngoài ra, để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp cần kiểm soát chặt chẽ toàn bộ quy trình sản xuất, đảm bảo truy xuất nguồn gốc này, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường áp dụng khoa học công nghệ, phát triển các hệ thống sản xuất, chế biến sâu, tối ưu chu trình sản xuất để tăng sức cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường. Đồng thời đẩy mạnh liên kết chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ, xuất khẩu…
Đại diện Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ cũng khuyến nghị các doanh nghiệp cần xác định rõ phân khúc thị trường của sản phẩm cần có nghiên cứu rất là chuyên sâu, có kế hoạch bài bản để nghiên cứu về thị hiếu, xu hướng thị trường. Đặc biệt, cần đẩy mạnh công tác đa dạng hóa công tác xúc tiến thương mại; thẩm định kỹ lưỡng thông tin doanh nghiệp, đối tác…
Nguồn: Bộ Công Thương