Ba Lan đang là quốc gia có nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong EU. GDP của Ba Lan đã tăng trưởng đáng kể sau 20 năm kể từ khi Ba Lan gia nhập EU vào năm 2004. Theo Ngân hàng Quốc gia Ba Lan, trong giai đoạn 2004 – 2024, Ba Lan có tiềm năng phát triển mạnh và ổn định trên thị trường quốc tế với mức tăng trưởng GDP trung bình hàng năm khoảng 3,5%, tỷ lệ thất nghiệp tại Ba Lan đã giảm từ trên 19% xuống còn khoảng 5%, điều này phản ánh một thị trường lao động khoẻ mạnh và ổn định. Xuất khẩu của Ba Lan đã tă
Tác động thuế quan của Hoa Kỳ đến nền kinh tế Ba Lan
Theo Viện nghiên cứu kinh tế Ba Lan, chính sách thuế quan của Hoa Kỳ sẽ tác động đến nền kinh tế Ba Lan, mặc dù có các tác động sẽ ở mức vừa phải. Mặc dù Hoa Kỳ chỉ là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Ba Lan, nhưng các sản phẩm của Ba Lan lại gián tiếp xuất khẩu sang Hoa Kỳ thông qua các nước khác. Nhìn chung, khoảng 2,6% GDP của Ba Lan được tạo ta nhờ nhu cầu của Hoa Kỳ đối với giá trị gia tăng của Ba Lan.
Hiện nay, mục tiêu của chính sách thương mại của Hoa Kỳ vẫn chưa rõ ràng nên mọi chính sách thuế quan vẫn chưa chắc chắn và có thể ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực của Ba Lan như khai thác khoáng sản, dịch vụ vận tải, sản xuất các bộ phận ô tô, sản xuất kim loại cơ bản, sản xuất máy móc và thiết bị, sản xuất máy tính, các sản phẩm điện tử và quang học.
Ba Lan xác định việc đa dạng hoá thị trường xuất khẩu là một cách để giảm thiểu chi phí kinh tế tiềm ẩn của thuế quan Hoa Kỳ đối với hàng xuất khẩu của Ba Lan.
Định hướng phát triển của Ba Lan trong thời gian tới
Trong 20 năm qua, kinh tế Ba Lan đã có sự tăng trưởng vượt bậc, nhờ vào các lợi thế cạnh tranh như: (i) điểm thu hút đầu tư cao với vị trí chiến lược, chi phí nhân công vẫn tương đối rẻ, nguồn nhân công dồi dào, sự ổn định của môi trường kinh doanh và các quy định, và sự phát triển của cơ sở hạ tầng. Cùng với đó, xu hướng “Gia công gần” trong những năm gần đây cũng đã giúp Ba Lan gia tăng lợi thế cạnh tranh để thu hút đầu tư vào Ba Lan từ các doanh nghiệp Châu Âu khác; (ii) Cấu trúc kinh tế và xuất khẩu đa dạng; và (iii) Sự phát triển nhanh chóng của các ngành công nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh các điểm mạnh thì Ba Lan cũng có các thách thức đang phải đối mặt: (i) Các lợi thế cạnh tranh đang dần bị xói mòn, động lực phát triển đang giảm dần; (ii) Trình độ công nghệ xuất khẩu thấp; (iii) Tình trạng già hoá dân số đang gia tăng, tỷ lệ sinh đang giảm mạnh và có xu hướng giống với các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc. Năm 2024, mức sinh thấp kỷ lục với 252.000 ca sinh trong khi số ca tử vong là 409.000 – đây là năm thứ 12 liên tiếp ghi nhận xu hướng này; (iv) Chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển tại Ba Lan vẫn còn thấp hơn so với mức trung bình của EU; (v) Tỷ lệ sử dụng và chuyển đổi kỹ thuật số trong Ba Lan vẫn rất thấp, đứng thứ 26/27 trong EU về tỷ lệ sử dụng kỹ thuật số.
Mặc dù Ba Lan đã có thành tựu phát triển vượt bậc về kinh tế trong những năm qua, nhưng vẫn còn xa khoảng cách so với các cường quốc như Hoa Kỳ, Đức, Nhật Bản. Trong 20 năm qua, Ba Lan chủ yếu kinh doanh trong nội địa các nước EU, phần lớn sản xuất gia công và làm nhà thầu phụ cho Đức. Với sự thay đổi về địa chính trị trong thời gian gần đây, để có thể thích nghi và phát triển, Ba Lan dần dần chuyển hướng ra toàn cầu, chứ không chỉ trong nội địa EU. Ba Lan dự kiến sẽ gia tăng lượng các công ty kinh doanh, đầu tư ra ngoài EU. Theo Trung tâm Quan hệ quốc tế Ba Lan, dự kiến đến năm 2030, sẽ có khoảng 2000 doanh nghiệp Ba Lan đầu tư ngoài EU. Điển hình là Tập đoàn Dược phẩm Adamed Ba Lan đã góp vốn và sau đó mua lại Công ty dược phẩm Davipharm tại Việt Nam và hiện nay đang thực hiện hoạt động kinh doanh rất tốt tại Việt Nam và xuất khẩu sang các nước lân cận tại Đông Nam Á. Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk đã đưa ra kế hoạch “tái định cư” nền kinh tế, trong đó ưu tiên phát triển các công ty nội địa, ngành công nghiệp nội địa và trao cho các công ty nội địa vai trò quan trọng trong các dự án hạ tầng trọng điểm. Ba Lan đặt kỳ vọng sau 20 năm nữa có thể vượt qua nền kinh tế Tây Ban Nha và Hà Lan, và tiến tới vượt qua các nền kinh tế Đức, Pháp.
Bộ Phát triển kinh tế và Công nghệ Ba Lan cũng đã đưa ra chương trình đa dạng hoá thị trưởng xuất khẩu để hỗ trợ các doanh nghiệp Ba Lan trong việc mở cửa và tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới để thúc đẩy nền kinh tế Ba Lan. Với mục tiêu: (i) tăng trưởng xuất khẩu Ba Lan và đạt 2% thị phần xuất khẩu thế giới; (ii) Tăng số lượng nhà xuất khẩu lên 220.000 doanh nghiệp; (iii) Đạt được 15% thị phần xuất khẩu hàng hoá công nghệ cao trong tổng xuất khẩu hàng hoá của Ba Lan; (iv) Tăng thị phần xuất khẩu ra ngoài Liên minh Châu Âu và đạt được giá trị xuất khẩu sang các nước ngoài EU ít nhất 150 tỷ EUR vào năm 2030.
Hợp tác kinh tế Việt Nam – EU
Liên minh Châu Âu là một trong những đối tác quan trọng nhất của Việt Nam, quan hệ thương mại và đầu tư ngày càng gia tăng. Đặc biệt, Hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực vào tháng 8 năm 2020, đã mở ra cơ hội hợp tác to lớn cho cả hai bên.
Nhờ Hiệp định này, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU tăng từ 56,4 tỷ USD năm 2019 lên 68,4 tỷ USD năm 2024, tăng 21,2%. EVFTA cũng góp phần củng cố vị thế của Việt Nam như một điểm đến hấp dẫn cho đầu tư Châu Âu, thu hút dòng vốn FDI vào Việt Nam. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến hết tháng 12/2024, có 25/27 nước thành viên EU đã đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 29,9 tỷ USD, gồm 2.498 dự án, chiếm 6,0% tổng vốn đăng ký FDI vào Việt Nam, đưa EU lên vị trí thứ 7 các đối tác đầu tư FDI nhiều nhất vào Việt Nam.
Quan hệ Việt Nam – Ba Lan
Quan hệ thương mại giữa Việt Nam – Ba Lan đang không ngừng tăng trưởng qua các năm. Ba Lan hiện đang là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Đông Âu. Với lượng dân số đông (hơn 39 triệu dân) và cộng đồng người Việt tại Ba Lan khá lớn (khoảng hơn 30.000 người), cùng với vị trí chiến lược nằm ở trung tâm Châu Âu, trục Đông Tây, Nam Bắc, cửa ngõ vào các nước Baltics và Ukraine, Ba Lan là một trong những thị trường trọng điểm có tiềm năng cho các công ty Việt Nam mở rộng hoạt động kinh doanh tại khu vực Trung Đông Âu này.
Đặc biệt, chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh chính vào tháng 1/2025, đã thể hiện vai trò quan trọng và sự quan tâm lớn của Việt Nam đối với thị trường Ba Lan tại khu vực Trung Đông Âu, giúp củng cố và tăng cường quan hệ song phương giữa hai nước.
Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam – Ba Lan không ngừng tăng trưởng kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực. Việt Nam xuất siêu sang Ba Lan với 1,77 tỷ USD năm 2020 tăng lên 3,04 tỷ USD năm 2024. Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là Máy móc, thiết bị, linh kiện điện tử, công cụ dụng cụ, điện thoại di động và các bộ phân của chúng; Các sản phẩm từ sắt thép; Các sản phẩm giày dép; Các sản phẩm từ cao su… và chủ yếu nhập khẩu từ Ba Lan các loại: Máy móc thiết bị dụng cụ cơ khí; dược phẩm; sữa và các sản phẩm từ sữa….
Về đầu tư, Ba Lan hiện đang xếp thứ 34 trong số 147 quốc gia/ vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với số dự án là 33 và Tổng vốn đầu tư luỹ kế 473,82 triệu USD. Ba Lan đang trong quá trình tham vấn nội bộ để tiến tới phê chuân Hiệp định Bảo hộ đầu tư EU – Việt Nam (EVIPA), dự kiến sẽ phê chuẩn trong năm nay và tạo điều kiện hơn nữa cho sự phát triển kinh tế và đầu tư giữa hai bên.
Ba Lan đã đưa ra rất nhiều kế hoạch để phát triển kinh tế trong 20 năm tới, tuy nhiên, cũng có một số thách thức nhất định. Trong khi đó, Việt Nam có nguồn lao động dồi dào, tay nghề cao. Việt Nam có thể hợp tác với Ba Lan trong lĩnh vực lao động để hỗ trợ Ba Lan tình trạng thiếu hụt lao động, già hoá dân số và Việt Nam cũng có thể tạo công ăn việc làm cho lao động Việt Nam. Việt Nam cũng đang ngày càng phát triển về công nghệ thông tin, nguồn nhân lực trẻ, có trình độ kỹ thuật cao. Việt Nam có thể hợp tác với Ba Lan trong việc hỗ trợ và nâng cao việc sử dụng và ứng dụng chuyển đổi số tại Ba Lan. Hợp tác du lịch cũng là một lĩnh vực tiềm năng mà hai bên có thể khai thác, theo số liệu thống kê, kể từ khi Chính phủ Việt Nam thông báo miễn visa cho khách du lịch Ba Lan đi theo tour vào Việt Nam theo chương trình kích cầu phát triển du lịch năm 2025, số lượng khách du lịch Ba Lan đến Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2025 tăng đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái và dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng đến cuối năm 2025. Điều này cho thấy, Việt Nam đang ngày càng trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn đối với du khách Ba Lan. Nhìn chung, thị trường Ba Lan vẫn còn nhiều dư địa hợp tác và phát triển cho Việt Nam và Ba Lan có thể trở thành cửa ngõ để Việt Nam xâm nhập sâu hơn vào khu vực Trung Đông Âu và thị trường EU./.
Nguồn: Thương vụ Việt Nam tại Ba Lan