Xuất khẩu cà phê chế biến sang thị trường EU: Thực trạng và giải pháp

14/10/2024

EU là thị trường quan trọng và nhiều tiềm năng cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam nói chung và mặt hàng cà phê chế biến nói riêng. Với cam kết cắt giảm thuế quan theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), cơ hội mở rộng thị phần cà phê Việt Nam tại EU hiện rất lớn khi có 93% dòng thuế về 0%, trong đó, sản phẩm được hưởng lợi nhất là cà phê chế biến. Tuy nhiên, để cà phê chế biến của Việt Nam có thể tận dụng tối đa lợi thế tại thị trường EU thì không chỉ dựa trên các ưu đãi thuế quan và nguồn cu

1. Thực trạng xuất khẩu cà phê chế biến của Việt Nam sang EU

1.1. Kết quả đạt được

Theo số liệu thống kê của Eurostat, trong giai đoạn 2015 – 2023 xuất khẩu cà phê chế biến của Việt Nam sang thị trường EU chứng kiến nhiều biến động về sản lượng và giá trị. Về cơ bản, sản lượng cà phê xuất khẩu sang thị trường EU có xu hướng tăng mạnh trong giai đoạn 2015 - 2023. Đặc biệt trong giai đoạn 2020 – 2023, mặc dù ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 song khối lượng cà phê chế biến Việt Nam sang thị trường EU vẫn chứng kiến tốc độ tăng trưởng nhanh và đạt đỉnh vào năm 2023 với khối lượng đạt 30.941 tấn, tăng gần gấp ba lần so với khối lượng cà phê chế biến xuất khẩu sang EU trong năm 2015. Nếu tính theo giá trị, kim ngạch xuất khẩu cà phê chế biến Việt Nam sang EU giai đoạn 2015 – 2023 tăng trưởng liên tục theo các năm từ mức 45,6 triệu Euro trong năm 2015 tăng lên 153 triệu Euro (tăng 107%).

Kết quả ấn tượng này có được nhờ vào những lợi thế từ Hiệp định thương mại tự do EVFTA. Tuy nhiên, thực tế cho thấy kim ngạch xuất khẩu cà phê chế biến sang thị trường EU vẫn còn khiêm tốn khi chỉ chiếm tỉ trọng gần 3% khối lượng cà phê xuất khẩu trung bình hàng năm của Việt Nam sang thị trường này (624 nghìn tấn).

Về kim ngạch

Trong giai đoạn 2015 – 2023, kim ngạch xuất khẩu cà phê chế biến của Việt Nam sang các thị trường EU đạt bình quân 72,4 triệu Euro/năm, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 18%/năm. Có thể thấy thông qua các số liệu thống kê của Eurostat, giá trung bình các nhóm cà phê chế biến của Việt Nam xuất khẩu sang EU tăng, đặc biệt là năm 2022, khi sản lượng xuất khẩu giảm 12% so với năm 2021 nhưng kim ngạch xuất khẩu năm 2022 lại tăng gần 22% so với năm 2021. Bên cạnh đó trong năm 2023, kim ngạch xuất khẩu cà phê chế biến sang EU cũng tăng tới 62% so với năm 2022.

Về cơ cấu sản phẩm

Trong giai đoạn 2015 – 2023, nhóm cà phê chưa rang, đã khử caffein (HS090112) là nhóm cà phê chế biến luôn dẫn đầu về tỷ trọng tính theo khối lượng xuất khẩu sang thị trường EU. Trong giai đoạn 2015 – 2023, tỷ trọng xuất khẩu trung bình theo khối lượng của nhóm cà phê này chiếm hơn 60% khối lượng cà phê chế biến xuất khẩu sang EU. Tiếp đến là nhóm cà phê hòa tan, chiết xuất, tinh chất và chất cô đặc của cà phê (HS210111) chiếm tỷ trọng trung bình 37,1% trong tổng khối lượng cà phê xuất khẩu sang EU. Ba nhóm cà phê chế biến còn lại chiếm chỉ trọng rất nhỏ, chỉ trên dưới 1%, đặc biệt là nhóm cà phê đã rang, đã khử caffein (HS090122) chiếm tỷ trọng không đáng kể (0,02%).

Về thị trường

Trong giai đoạn 2017 – 2023, Tây Ban Nha là nước nhập khẩu chủ yếu nhóm cà phê chưa rang, đã khử caffein xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU. Trong giai đoạn này, kim ngạch nhập khẩu nhóm cà phê này của Tây Ban Nha đạt tỷ trọng từ 75,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU trong năm 2017 và tăng lên trên 90% trong những năm gần đây. Trong năm 2023, trong tổng số kim ngạch 69,5 triệu Euro cà phê chưa rang, đã khử caffein của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU thì Tây Ban Nha đã nhập khẩu đến hơn 65 triệu Euro (chiếm tỷ trọng 93,6%). Các nước EU khác nhập khẩu nhóm cà phê chưa rang, đã khử caffein của Việt Nam trong năm 2023 chiếm tỷ trọng nhỏ hơn, trong đó có: Italia (3%), Bồ Đào Nha (1,4%), Hà Lan (0,9%)...

Trong giai đoạn 2017 – 2023, các thị trường EU chính nhập khẩu nhóm cà phê hòa tan, chiết xuất, tinh chất và chất cô đặc của cà phê (HS 210111) gồm Ba Lan, Tây Ban Nha, Đức, Hà Lan, Hungary, Italia... Theo số liệu thống kê Eurostat, trong năm 2023 Ba Lan và Tây Ban Nha là hai nước có kim ngạch nhập khẩu nhiều nhất nhóm cà phê nêu trên, trong đó Ba Lan nhập khẩu 24,4 triệu Euro (chiếm tỷ trọng 30%) và Tây Ban Nha nhập khẩu 24,1 triệu Euro (chiếm tỷ trọng 30%). Tiếp đến là các nước (Đức 11,4 triệu Euro), Hà Lan (8,2 triệu Euro), Hungary (7 triệu Euro), Italia (3,7 triệu Euro), Rumani (1,4 triệu Euro). Đặc biệt, Tây Ban Nha là thị trường có kim ngạch nhập khẩu tăng nhanh nhất trong giai đoạn 2017 – 2023, tỷ trọng xuất khẩu cà phê hòa tan, chiết xuất, tinh chất và chất cô đặc của cà phê (HS 210111) của Việt Nam sang Tây Ban Nha tăng từ 4% trong năm 2017 tăng lên 30% trong năm 2023.

1.2. Tồn tại và hạn chế

Theo số liệu thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2023, diện tích trồng cà phê của Việt Nam là khoảng 710 nghìn ha. Tuy nhiên, việc canh tác và sản xuất cà phê còn nhỏ lẻ, phân tán chưa đồng bộ dẫn đến tình trạng sản xuất chất lượng không ổn định.

Bên cạnh đó, cà phê Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU chủ yếu là cà phê nhân. Sản phẩm cà phê chế biến sâu chỉ chiếm khoảng 12%. Vì vậy, dù sản lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam cao nhưng thương hiệu cà phê Việt vẫn chưa được biết đến nhiều tại thị trường EU. Các doanh nghiệp sản xuất cà phê chế biến Việt Nam đều gặp khó khăn trong việc phát triển thương hiệu và xuất khẩu trực tiếp sang thị trường EU. Cà phê có thương hiệu xuất khẩu và ghi dấu ấn trong thị trường quốc tế lại chủ yếu đến từ các thương hiệu nước ngoài có nhà máy tại Việt Nam, các doanh nghiệp nước ngoài nhập khẩu cà phê thô của Việt Nam và xay trộn chế biến thành các mặt hàng cà phê có hương vị đặc sắc, chất lượng cao để phục vụ nhu cầu nội địa cũng như xuất khẩu sang các quốc gia khác.

Quy định của EU về dư lượng chất bảo vệ thực vật đối với các loại hạt, trong đó có cà phê là 0,1mg/kg cũng là yêu cầu khó khăn đòi hỏi người nông dân trồng cà phê phải điều chỉnh phương thức sản xuất để có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn mới phục vụ hoạt động xuất khẩu khi mà thói quen dùng nhiều phân bón hóa học của người dân vẫn tồn tại.

Ngoài ra, do xu hướng tiêu dùng từ nhiều năm nay tại thị trường EU, 80% người tiêu dùng chọn cà phê Arabica, còn lại 20% tiêu dùng chọn cà phê Robusta. Trong khí đó theo số liệu từ Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa) Việt Nam chủ yếu sản xuất cà phê Robusta (chiếm hơn 94% diện tích và sản lượng). Do vậy, bên cạnh việc đáp ứng các quy định của EU, cà phê Việt Nam cũng phải đối mặt với thách thức trong việc chuyển dịch cơ cấu chủng loại cà phê, đáp ứng xu hướng tiêu dùng và chất lượng khắt khe của thị trường.

1. Một số giải pháp chủ yếu nhằm thúc đẩy xuất khẩu cà phê chế biến sang EU

Trước thực trạng ngành cà phê Việt Nam đã xuất khẩu tới hơn 80 quốc gia, đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu nhưng chưa có thương hiệu cà phê nào góp mặt trong danh sách 10 thương hiệu cà phê đắt nhất thế giới, cà phê Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sản phẩm thô, cà phê Việt Nam được trộn lẫn với cà phê từ các nước khác để chế biến nhiều sản phẩm cà phê khác nhau nên người tiêu dùng không biết đến cà phê Việt Nam. Dù đứng hàng đầu thế giới về sản lượng xuất khẩu cà phê nhưng cà phê Việt Nam chỉ đứng thứ 10 thế giới về giá trị. Để tăng giá trị xuất khẩu cà phê, việc thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm cà phê chế biến là rất cần thiết.

2.1. Giải pháp về phía Nhà nước

(i) Nghiên cứu xây dựng các chính sách hỗ trợ cho ngành cà phê chế biến

Tiến hành xây dựng, bổ sung hệ thống văn bản chính sách nhằm hỗ trợ phát triển ngành cà phê chế biến phù hợp với các quy định và cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia; Thực hiện nghiêm túc và không điều chỉnh các nghị định, thông tư đã cam kết về lộ trình cắt giảm thuế; Xây dựng bộ tiểu chuẩn cà phê chất lượng cao và hệ thống quản lý. 

(ii) Quy hoạch vùng trồng bền vững

Cần xây dựng các vùng trồng tập trung, chuyên canh gắn với phát triển công nghiệp chế biến, áp dụng tiến bộ công nghệ cao, thúc đẩy liên kết vùng nguyên liệu với các cơ sở, nhà máy chế biến sâu để tạo nguồn hàng đảm bảo ổn định về chất lượng và sản lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Nhiều địa phương đã xây dựng vùng trồng cà phê có chứng nhận và truy xuất nguồn gốc. Quy hoạch vùng trồng cà phê cần phải đáp ứng yêu cầu về quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu, sẽ có hiệu lực từ tháng 12/2024 đối với doanh nghiệp lớn và từ 30/6/2025 đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Cần phải xây dựng vùng nguyên liệu cà phê đạt chuẩn nhằm đảm bảo yêu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Có kế hoạch tái canh với các vườn cà phê già cỗi, năng suất thấp để nâng cao sản lượng thu hoạch. Nâng cao chất lượng cà phê xuất khẩu bằng cách áp dụng quy trình hái chín, chọn lọc và sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu.

Các vùng trồng cần có kế hoạch sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo yêu cầu của các nước nhập khẩu. Quá trình canh tác cần tuân theo các tiêu chuẩn chứng nhận VietGAP, 4C, Rainforest Alliance, Organic, UTZ (Quy trình sản xuất cà phê bền vững) để tạo ra sản phẩm cà phê sạch chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.                                                             

(iii) Phát triển hạ tầng logistics

Việc phát triển hạ tầng logistics là một trong những yếu tố quan trọng giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam nói chung và cà phê nói riêng trên thị trường quốc tế, đặc biệt là EU. Chính phủ cần đầu tư mạnh mẽ vào các dự án hạ tầng, bao gồm hệ thống cảng biển, sân bay, kho bãi và đường giao thông, để tối ưu hóa quy trình vận chuyển hàng hóa. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu chi phí vận chuyển mà còn tăng cường khả năng tiếp cận các thị trường xa như EU một cách nhanh chóng và hiệu quả. Việc xây dựng các tuyến vận tải trực tiếp giữa Việt Nam và EU sẽ giúp giảm chi phí và thời gian vận chuyển, từ đó nâng cao tính cạnh tranh của cà phê Việt Nam và cả các loại hàng hóa khác.

(iv) Tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng cà phê

Cà phê là sản phẩm có tính thương mại toàn cầu, với việc kiểm soát chất lượng ngày càng trở nên nghiêm ngặt hơn. Ở Việt Nam hiện nay tiêu chuẩn chất lượng được áp dụng khá đa dạng, bao gồm cả các tiêu chuẩn, chứng nhận trong nước VietGAP, các tiêu chuẩn Ogranic của các quốc gia nhập khẩu, các tiểu chuẩn về phát triển bền vững… Các tiêu chuẩn cơ bản đánh giá trên các hàm lượng hoạt chất có trong hạt cà phê.

Các chứng chỉ cà phê bền vững khá đa dạng, đây là các chứng chỉ yêu cầu đối với các sản phẩm cà phê xuất khẩu. Ở từng thị trường xuất khẩu khác nhau sẽ yêu cầu những chứng chỉ này. Mỗi chứng chỉ gắn với các điều kiện đánh giá chất lượng sản phẩm cà phê. Hiện nay xu hướng phát triển sản phẩm cà phê có chứng nhận, cà phê chế biến sâu tăng lên cả về số doanh nghiệp, và số lượng xuất khẩu cà phê chất lượng cao.

Các tiêu chuẩn, quy định về kỹ thuật đối với cà phê nhập khẩu vào EU ngày các khắt khe, do vậy để đảm bảo cà phê xuất khẩu vào châu Âu đáp ứng mọi quy định kỹ thuật của EU và nâng cao giá trị cà phê xuất khẩu Việt Nam, cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường các biện pháp giám sát chất lượng.

2.2. Giải pháp về phía Hiệp hội và doanh nghiệp

(i) Tăng cường liên kết giữa người trồng và doanh nghiệp chế biến cà phê

Doanh nghiệp thu mua, chế biến xuất khẩu cần tăng cường liên kết với người nông dân trồng cà phê để đảm bảo quá trình trồng và thu hoạch đều đạt yêu cầu của nhà nhập khẩu. Doanh nghiệp cũng cần thông tin tới người nông dân về các yêu cầu ngày càng tăng của các nhà nhập khẩu cà phê EU để kịp điều chỉnh kế hoạch trồng trọt…

Liên minh, liên kết hộ nông dân nhằm kiểm soát cà phê nguyên liệu ngay từ đầu nguồn, quá trình sản xuất được doanh nghiệp chế biến tham gia sớm từ các công đoạn lựa chọn giống, phân bón, thuốc trừ sâu, quy trình chăm sóc, thu hái, v.v, quá trình này giúp doanh nghiệp chế biến kiểm soát được chất lượng sản phẩm, truy suất nguồn gốc xuất xứ, đáp ứng các yêu cầu cà phê chất lượng cao, đặc biệt các tiêu chuẩn chất lượng cà phê xuất khẩu các quốc gia có yêu cầu cao, các tiêu chuẩn ogranic, hay các chứng chỉ cà phê bền vững. Liên minh, liên kết giúp khắc phục thực trạng các vùng trồng phân tán, nhỏ lẻ, các nông hộ có định hướng phát triển bền vững vùng nguyên liệu của doanh nghiệp chế biến cà phê, đảm bảo các lợi ích kinh tế không chỉ của doanh nghiệp chế biến, mà các hộ nông dân, cũng như lợi ích kinh tế, xã hội và ngành cà phê Việt Nam phát triển bền vững, lâu dài.

Vì thế, để nâng cao hiệu quả xuất khẩu cà phê, nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu, các doanh nghiệp và cơ sở cần đẩy mạnh thực hiện các công tác chế biến sau thu hái với những kĩ thuật tiên tiến, đáp ứng nhu cầu sản phẩm cà phê qua chế biến của thị trường. Cần xây dựng một hệ thống kho tàng phục vụ cho công tác chế biến bảo quản cà phê ngay từ đầu nhằm giữ cho chất lượng cà phê ngày càng cao, đảm bảo đủ chân hàng phục vụ tốt cho xuất khẩu.

(ii) Đổi mới cơ cấu cây trồng và đa dạng hóa sản phẩm

Ngành cà phê Việt Nam đã có chủ trương đổi mới phương hướng sản xuất cà phê theo hai hướng: một là giảm bớt diện tích cà phê Robusta, chuyển các diện tích cà phê phát triển kém, không có hiệu quả sang các loại cây trồng lâu năm khác; hai là mở rộng diện tích cà phê Arabica ở những nơi có điều kiện khí hậu đất đai thích hợp.

Vấn đề đổi giống mới tốt hơn cho các vườn cà phê cũng là một khâu quan trọng cần được đầu tư để thay thế các cây trồng đã cũ, lâu năm, năng suất kém, sâu bệnh và sản lượng và chất lượng chưa cao đưa vào sản xuất đại trà, góp phần tăng sức cạnh tranh đối với cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới.

Giảm bớt tỷ lệ xuất khẩu cà phê nhân và đa dạng hóa các sản phẩm xuất khẩu nhằm đảm bảo phù hợp thị hiếu tiêu dùng tại EU như cà phê bột, cà phê đặc sản, cà phê hoà tan, cà phê lon…

(iii) Nâng cao năng lực chế biến, đầu tư máy móc thiết bị chế biến cà phê hiện đại

Doanh nghiệp chế biến cần điều chỉnh các phương thức sản xuất mới sao cho đáp ứng được các tiêu chuẩn phù hợp hoạt động xuất khẩu. Đầu tư công nghệ chế biến hiện đại cho ngành cà phê là điều hết sức cần thiết. Để tạo đà cho các doanh nghiệp cà phê phát triển và ứng phó kịp thời với những thay đổi về chất lượng, giá cả ...cần tập trung máy móc thiết bị chế biến cà phê thô ngay từ khi mới thu hoạch, nhằm đảm bảo chất lượng ổn định, đồng đều. Đồng thời phải có dự án lựa chọn thiết bị hiện đại, đồng bộ và có hiệu quả cao kết hợp việc nghiên cứu áp dụng các thiết bị chế biến nhỏ, gọn ở khu vực cà phê tư nhân. Khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh cà phê tập trung đầu tư trang thiết bị để chuyển từ xuất khẩu thô sang xuất khẩu cà phê chế biến.

(iv) Nghiên cứu và tìm hiểu thị hiếu tiêu dùng, xu hướng tiêu thụ cà phê EU

Châu Âu có một thị trường cà phê rộng lớn và mang đến những cơ hội hấp dẫn. Thị trường cà phê châu Âu liên tục thay đổi. Cà phê đặc sản, cà phê hữu cơ, cà phê uống liền… đang trở nên phổ biến. Tính bền vững là ưu tiên hàng đầu của ngành cà phê. Người châu Âu muốn biết cà phê của họ đến từ đâu. Điều này thúc đẩy thương mại trực tiếp giữa các nhà sản xuất và các nhà rang xay châu Âu. Thị trường cà phê đặc sản đang phát triển ở châu Âu mang đến những cơ hội thú vị. Để đưa cà phê chế biến vào thị trường này, cần ưu tiên quan tâm đến chất lượng sản phẩm và các yêu cầu về phát triển bền vững. 

Sản xuất cà phê hữu cơ cũng là một phương hướng của ngành cà phê Việt Nam, cần được quan tâm. Tiềm năng để sản xuất cà phê hữu cơ lớn vì phía Bắc Việt Nam có một vùng núi rộng lớn điều kiện khí hậu thích hợp cho cà phê Arabica sinh trưởng phát triển. Đồng bào dân tộc thiểu số ở đây ít sử dụng phân hoá học và thuốc trừ sâu. Đó là điều kiện thuận tiện để phát triển sản xuất cà phê hữu cơ. Thu nhập từ cà phê hữu cơ cao hơn sẽ khuyến khích nông dân tham gia sản xuất mặt hàng này. Vấn đề ở đây lại là việc cấp chứng chỉ cà phê hữu cơ và thị trường tiêu thụ làm sao cho thuận tiện và có hiệu quả cho nông dân.

(v) Xây dựng thương hiệu cho cà phê Việt Nam

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế toàn cầu, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến cà phê trong nước phải cạnh tranh gay gắt với các doanh nghiệp sản xuất chế biến cà phê nước ngoài, việc xây dựng được thương hiệu mạnh cho cà phê Việt Nam là rất cần thiết. Không chỉ bảo vệ doanh nghiệp khỏi các tranh chấp không đáng có, việc xây dựng thương hiệu cà phê Việt còn giúp gia tăng giá trị của mặt hàng này trên thị trường trong và ngoài nước...

(vi) Tăng cường xúc tiến thương mại

Tăng cường liên kết lẫn phối hợp giữa các cơ quan xúc tiến thương mại, hiệp hội, doanh nghiệp; chú trọng công tác hoạch định, xây dựng chiến lược dài hạn về công tác xúc tiến thương mại; phát triển ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trong hoạt động xúc tiến thương mại.

Tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu giữa các doanh nghiệp cà phê Việt Nam và EU nhằm thúc đẩy hợp tác và hoạt động trao đổi thương mại, đầu tư giữa hai bên.

Tài liệu tham khảo

Nguồn thống kê Eurostats

- Nguồn thống kê Tổng Cục Hải quan Việt Nam

- Đề án phát triển cà-phê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021-2030 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn

Tác giả: Trần Phương Nga, Đỗ Thị Minh Phương - Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương 

1.jpg

{title}

Video

Bộ Công Thương yêu cầu đảm bảo hàng hóa, nguồn cung xăng dầu dịp Tết
Bộ Công Thương yêu cầu đảm bảo hàng hóa, nguồn cung xăng dầu dịp Tết